CỬU TRẠI CÂU – THIÊN ĐƯỜNG NƠI HẠ GIỚI

Đối với các bạn mê những danh lam thắng cảnh đẹp mê hồn tại xứ sở Trung Hoa thì chắc hẳn không thể không nhắc đến thung lũng Cửu Trại Câu được mệnh danh là thiên đường nơi hạ giới. Nơi đây đã khiến nhiều du khách say lòng ngay lần đầu tiên chiêm ngưỡng với vẻ đẹp phi thực như tranh vẽ, từ môi trường nguyên sinh, không khí trong lành, núi phủ tuyết trắng, đến những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm và những hồ nước phẳng lặng như gương đổi màu thần kỳ.

Cửu Trại Câu là gì?

Cửu Trại Câu (tiếng Trung: 九寨沟, tiếng Anh: Jiuzhaigou Valley) là một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia thuộc châu tự trị dân tộc Khương và dân tộc Tạng A Bá nằm ở miền Bắc Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cái tên Cửu Trại Câu có nghĩa là thung lũng chín làng, xuất phát từ 9 ngôi làng người Tạng đã định cư lâu dài tại vùng đất này. Trong đó, hiện nay chỉ còn 3 ngôi làng được lưu giữ lại cho hoạt động du lịch là Thụ Chính Trại, Tắc Tra Oa Trại và Hà Diệp Trại.

Thung lũng Cửu Trại Câu được hình thành tại dãy núi đá vôi trầm tích thuộc Mân Sơn nằm giáp cạnh với cao nguyên Tây Tạng. Toàn khu chiếm diện tích lên đến 60.000ha ở độ cao 2500m so với mực nước biển, bao gồm 3 thung lũng chính xếp theo hình chữ Y ngược. Nhánh chính ở phía Bắc là Thụ Chính Câu, đi dọc xuống phía Nam thì tách ra thành Tắc Tra Oa Câu ở phía Đông và Nhật Tắc Câu ở phía Tây. Ngoài ra từ cổng vào ở Thụ Chính Câu còn có 1 nhánh phụ rẽ sang Trát Như Câu.

Bản đồ khu du lịch. Được dịch bởi Linn Travel

Cửu Trại Câu sở hữu một hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, nổi bật nhất là vùng sinh thái rừng lá rộng ôn đới với núi phủ tuyết và cao nguyên thực vật đan xen, với hơn 108 hồ nước trên núi cao và 100 ghềnh thác lớn nhỏ. Đồng thời, hàng nghìn chủng loại động vật hoang dã quý hiếm sinh sống tại đây, trong đó có gấu trúc, voọc mũi hếch và hơn 140 loài chim. Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992 và Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997, sau này còn nhận được nhiều danh hiệu khác nhấn mạnh vẻ đẹp độc nhất vô nhị của nơi này.

Những Cảnh Điểm của Cửu Trại Câu

Người địa phương có lưu truyền câu nói: “Hoàng Sơn quy lai bất khán sơn, Cửu Trại quy lai bất khán thủy”, đại ý là đến Hoàng Sơn rồi không còn muốn ngắm núi khác, đã tới Cửu Trại không buồn nhìn những dòng nước ở nơi khác. Có thể nói rằng mọi ngóc ngách trong khu thắng cảnh này đều đẹp mắt không thể chê, xứng đáng dành nhiều thời gian để đi khám phá toàn bộ. Sau đây các bạn sẽ được giới thiệu các cảnh điểm tiêu biểu tựa như những viên ngọc quý của Cửu Trại Câu.

Quần Thể Hồ và Thác Nặc Nhật Lãng (Thụ Chính Câu)

Từ cổng chính vào khu thắng cảnh, cảnh vật đầu tiên các bạn sẽ nhìn thấy được ngay tại chỗ giao nhau giữa ba thung lũng là Thác nước Nặc Nhật Lãng – một trong những biểu tượng nổi tiếng của Cửu Trại Câu. Đây là thác nước lớn nhất vùng cao nguyên của Trung Quốc và cũng là thác nước đá vôi rộng nhất trên thế giới. Những dòng nước chảy từ quần thể hồ Nặc Nhật Lãng ở trên vách núi đổ xuống tạo thành nhiều nhánh tung bọt trắng xóa và mờ ảo như một màn sương khói, tô điểm lên một bức tranh thiên nhiên hài hòa.

Từ trên cao nhìn xuống ghềnh thác, toàn bộ hồ Nặc Nhật Lãng trên đồi được phơi bày trước mắt. Đây là hệ thống 18 hồ băng được hình thành bởi những bãi đá vôi chia cắt dòng sông băng thành các hồ lớn nhỏ, và cuối cùng mới đổ xuống thành thác. Mỗi hồ đều có một tên dân gian như Hồ Tê Giác, Hồ Vô Danh, Hồ Hổ, v.v.

Hồ Ngũ Hoa (Nhật Tắc Câu)

Nhật Tắc Câu được coi là thung lũng có nhiều hồ nước, thác nước đẹp nhất ở Cửu Trại Câu. Trong số đó, Hồ Ngũ Hoa là đại diện tiêu biểu nhất cho sắc đẹp phẳng lặng như gương của các hồ nước tại nơi này. Hồ Ngũ Hoa không chỉ thu hút về sự trong vắt của nước hồ đến mức có thể nhìn thấy lớp tảo dưới đáy, mà còn bởi sự phản chiếu màu sắc từ những rặng rừng cây bên bờ. Đặc biệt khi mùa thu đến, nhiều loại cây như cây bạch dương đổi lá vàng, cây phong lại đổi lá đỏ, cây thù du thì đổi lá cam, và một số cây khác vẫn giữ lại màu xanh đan xen lẫn nhau khiến cả vùng hồ rực rỡ lên nhiều màu sáng tương phản. Ngoài ra, đi dọc con đường ván gỗ đến cuối hồ, bạn sẽ thấy những khúc cây bị vôi hóa nằm giữa dòng nước trông rất lạ mắt.

Thác Trân Châu (Nhật Tắc Câu)

Trên đường đi từ Thác nước Nặc Nhật Lãng đến Hồ Ngũ Hoa, các bạn sẽ ghé qua Thác Trân Châu – một địa điểm chắn hẳn nhìn sẽ cảm thấy rất đỗi quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của người Việt. Chính tại đây đã làm nên cảnh quay nổi tiếng cho phần đoạn mở đầu của bộ phim Tây Du Ký – khi đoàn sư đồ Đường Tăng đi qua trên đồi thác nước với khúc nhạc phim chủ đề Xin hỏi đường ở nơi nao bắt đầu vang lên. Những dòng thác nơi đây chảy xối xả ồ ạt lên những khối đá vôi gồ ghề, tạo thành dòng nước chảy xuống hình vòm như lá rẻ quạt, càng khiến thác nước trở nên hùng vĩ.

Hồ Tiễn Trúc và Thác Tiễn Trúc (Nhật Tắc Câu)

Hồ Tiễn Trúc với Hồ Gấu Trúc nằm ở kế bên được cho rằng đã từng có nhiều gấu trúc lớn đến sinh sống trong rặng trúc ven bờ hồ. Hồ này còn có một điểm rất thú vị, chính là ở giữa hồ có những cành cây tái sinh mọc từ những thân cây mộc rơi xuống bị vôi hóa trong dòng nước, tạo nên sự khác biệt so với các cảnh hồ khác. Đồng thời, Hồ Tiễn Trúc từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dùng làm nền cảnh đấu kiếm xuất sắc giữa Lý Liên Kiệt và Lương Triều Vĩ trong bộ phim Anh Hùng (2002).

Bên cạnh đó, nếu tiếp tục đi theo dòng hạ lưu hồ thì sẽ gặp một dãy thác ở độ cao 7m và rộng 150m. Nước chảy từ Hồ Tiễn Trúc bị chia tách bởi khu rừng cây trở thành nhiều dòng thác nhỏ đổ xuống trên những vách đá phủ đầy rêu, tạo nên những âm thanh róc rách êm dịu.

Hồ Ngũ Sắc (Tắc Tra Oa Câu)

Hồ Ngũ Sắc là một trong những hồ nhỏ nhất tại Cửu Trại Câu, nằm sâu trong thung lũng Tắc Tra Oa Câu. Mặc dù có kích thước và độ sâu rất khiêm tốn, Hồ Ngũ Sắc lại sở hữu một cơ thể nước trong, rõ ràng nhất, và màu sắc đa dạng, ngoạn mục không kém gì so với Hồ Ngũ Hoa. Do sự khác biệt màu sắc của những lớp trầm tích dưới đáy hồ, màu nước ở đây thay đổi lúc xanh thẫm, lúc vàng, lúc lại xanh nhạt. Người dân còn đặt cho hồ nước này cái biệt danh Con Mắt của Cửu Trại Câu.

Hồ Hỏa Hoa (Thụ Chính Câu)

Hồ Hỏa Hoa, hay còn được gọi là Hồ Lấp Lánh và Hồ Đốm Lửa, nằm giữa Hồ Song Long và Hồ Ngũ Long ở thung lũng Thụ Chính Câu. Khi sương mù buổi sớm mai tan đi, ánh sáng chiếu xuống mặt hồ, phản chiếu tạo thành những đốm sáng lấp lánh như những đóa hoa lửa trên màu nước xanh sâu thăm thẳm phẳng lặng như gương.         

Nên đi Cửu Trại Câu vào mùa nào?

Bốn mùa ở Cửu Trại Câu đều có những nét đặc sắc riêng. Vào mùa xuân, toàn bộ cây cối trần trụi bắt đầu chóm lá nở hoa trở lại và hòa hợp trong màn tuyết trắng mỏng còn sót lại từ mùa đông. Mùa hè thì nước hồ càng trở nên xanh ngắt, nắng chiếu vàng ươm, trời cũng trở nên ấm áp hơn. Thu sang lá đỏ lá vàng phủ đầy rừng núi và khi đông về, cả thung lũng chìm trong tuyết băng tinh khôi như một vùng đất cổ tích.

Cửu Trại Câu nằm trên dãy núi cao, nhiệt độ lạnh nhất có thể xuống tới dưới -11°C hoặc nóng nhất cũng chỉ lên tới 24°C, rất thích hợp cho các du khách muốn đi tránh nắng nóng khó chịu ở bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, du lịch mùa thu vẫn phổ biến hơn bởi thời tiết trong thời điểm này mát mẻ dễ chịu nhất và không có nhiều trở ngại về khí hậu khắc nghiệt. Một điểm lưu ý cho các bạn là nên tránh chọn chuyến đi trúng vào ngày 1/10 đến 10/10. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngày quốc khánh của Trung Quốc, đi tham quan ở chỗ nào cũng sẽ rất đông, giá vé dịch vụ cũng vì thế sẽ đắt hơn và còn có hạn chế làm visa du lịch nữa.

Theo thông tin tổng hợp

Nguồn ảnh: Sưu tầm Internet

Trả lời